• Tìm kiếm
  • Hiện đang có 13,339 BĐS đang giao dịch
    • msg
    • Những thay đổi và cải tạo kiến trúc gây tranh cãi trên thế giới

      Không phải lúc nào sự thay đổi cũng nhận được nhiều sự đồng tình và ủng hộ, nhất là trong trường hợp của các công trình kiến trúc nổi tiếng…

      Thay đổi kiến trúc gây tranh cãi

      Thương xá Tax được người Pháp xây dựng năm 1880 luôn là một biểu tượng văn hóa và lịch sử gắn liền với đời sống của người dân Sài Gòn nhiều thế hệ. Tuy nhiên, theo quy hoạch, thương xá này sẽ bị phá bỏ nhằm lấy mặt bằng phục vụ việc xây dựng tháp thông gió của nhà ga metro và một trung tâm thương mại mới.

      Sự “ra đi” của công trình kiến trúc này để lại cho chúng ta nhiều tiếc nuối nhưng cũng không ít ý kiến tranh cãi và phản đối. Nhiều người cho rằng mất đi thương xá Tax, Sài Gòn sẽ không còn là Sài Gòn xưa nữa.

      Nhìn lại lịch sử thế giới, rõ ràng đây không phải là một câu chuyện mới mẻ. Dưới đây là danh sách những thay đổi và cải tạo kiến trúc gây ra nhiều tranh cãi nhất trên thế giới…

      1. Tháp Eiffel (Paris, Pháp)

      Ngày nay, nhắc tới kinh đô ánh sáng Paris, chúng ta không thể không nhắc tới tháp Eiffel lung linh, biểu tượng thắp sáng cả thủ đô nước Pháp. Thế nhưng, ít ai ngờ, khi công trình chuẩn bị được xây dựng, đã có rất nhiều ý kiến phản đối gay gắt.

      Bản vẽ thiết kế ban đầu của tháp Eiffel
      Bản vẽ thiết kế ban đầu của tháp Eiffel.

      Tháp Eiffel vốn được xây dựng phục vụ cho triển lãm thế giới năm 1889 tại Paris. Tuy nhiên, ngay từ khi ý tưởng này được công bố, nó đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ giới nghệ sĩ Pháp.

      Đầu năm 1887, khi công trình mới khởi công chưa được bao lâu, trên hàng loạt các tờ báo Pháp như Le Temps, người ta trích đăng rất nhiều ý kiến, sự chê bai của những nhân vật nổi tiếng như Guy de Maupassant, Charles Garnier, Alexandre Dumas con… về tháp Eiffel.

      Ảnh biếm họa chế giễu Gustave Eiffel
      Ảnh biếm họa chế giễu Gustave Eiffel đăng trên một tạp chí thời đó.

      Họ cho rằng, tháp Eiffel là một bộ xương, một công trình “vô duyên” và giống như “một ống khói của nhà máy”. Giới nghệ sĩ không ngừng châm biếm, cho rằng tháp Eiffel quái dị sẽ đe dọa phá hủy biểu tượng thành phố nghệ thuật của Paris với kiến trúc bằng sắt thô kệch.

      Nhiều người dân Paris khi đó còn kiên quyết tẩy chay, thậm chí dọa sẽ đốt tòa tháp này khi nó được hoàn thành.

      Quá trình xây dựng tháp Eiffel
      Quá trình xây dựng tháp Eiffel.

      May mắn thay, đứng trước sự phản đối gay gắt đó, Gustave Eiffel vẫn quyết định xây dựng bằng được tòa tháp mà ông cho là sẽ tỏa sáng rực rỡ. Kết quả thật mỹ mãn - ngay năm 1889 khi vừa được khánh thành, tháp Eiffel đã thu hút được hơn 2 triệu khách du lịch tới tham quan.

      Ảnh chụp Tháp Eiffel vào năm 1889
      Ảnh tháp Eiffel chụp vào năm 1889 tại triển lãm thế giới.

      Tháp Eiffel ngày nay
      Hẳn mọi người Pháp ngày nay đều phải thầm cảm ơn sự dũng cảm của Gustave Eiffel khi đó.

      Kể từ đó, những nhận xét ác ý và công trình này bớt dần và cho tới nay, không một người Pháp nào là không yêu quý và tự hào về công trình tuyệt vời này.

      2. Kim tự tháp kính ở bảo tàng Louvre (Paris, Pháp)

      Dường như người Pháp rất yêu các công trình kiến trúc cổ xưa, vì vậy khi có sự thay đổi họ thường gây nên những cuộc tranh cãi rất lớn. Trường hợp kim tự tháp kính ở bảo tàng Louvre, Paris cũng được coi là một ví dụ điển hình.

      Bảo tàng Louvre
      Bảo tàng Louvre và kim tự tháp kính nhìn về đêm.

      Ban đầu, ý tưởng xây dựng kim tự tháp kính này vấp phải nhiều ý kiến phản đối trái chiều. Tờ Lawrence World Journal ngày 17/03/1985 có trích đăng ý kiến của một quan chức Pháp tên Michel Guy.

      Bảo tàng Louvre
      Bảo tàng Louvre thời kim tự tháp kính chưa "chào đời".

      Theo ông này, kim tự tháp kính sẽ biến Louvre thành một “hiệu thuốc văn hóa” - “a cultural drugstore” và ông sẽ làm tất cả để ngăn cản việc xây dựng công trình này.

      Công trường xây kim tự tháp kính
      Ảnh công trường xây dựng kim tự tháp kính.

      Bài báo chỉ trích việc xây kim tự tháp kính
      Một bài báo với nội dung chỉ trích việc xây dựng kim tự tháp kính ở bảo tàng Louvre.

      Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cũng cho rằng công trình trên sẽ phá hỏng trục lịch sử xuyên suốt Louvre, Khải hoàn môn Carrousel, đại lộ Champs-Élysées, vườn Tuileries và quảng trường Concorde.

      Bảo tàng Louvre và kim tự tháp kính
      Vẻ đẹp không thể bàn cãi của Louvre sau khi kim tự tháp kính được xây dựng.

      Nhiều ý kiến ác ý còn gắn kim tự tháp này với thế lực hắc ám vì cho rằng, nó được ghép bởi 666 tấm kính, liên quan tới quỷ Satan trong khi thực ra, kim tự tháp được ghép bởi 673 tấm, trong đó có 603 tấm hình thoi và 70 tấm hình tam giác.
       
      3. Nhà thờ Chúa cứu thế (Moscow, Nga)

      Năm 1812, sau khi Napoleon Bonaparte thất bại ở Nga, Sa hoàng Aleksandr I đã tuyên bố sẽ cho xây dựng một nhà thờ chính thống giáo để bày tỏ sự biết ơn của mình đối với Chúa trời.

      Cho tới năm 1883, nhà thờ được xây xong và trở thành nhà thờ chính thống giáo đẹp nhất thế giới.

      Nhà thờ chúa cứu thế
      Hình ảnh nhà thờ Chúa cứu thế những năm đầu thế kỷ XX.

      Tuy nhiên, sau sự qua đời của lãnh tụ Lenin, chính quyền Liên Xô khi đó đã quyết định phá hủy công trình này nhằm xây dựng một tượng đài khổng lồ.

      Năm 1931, nhà thờ Chúa cứu thế bị "thổi tung" bởi thuốc nổ để lấy mặt bằng. Sự kiện này gây nên rất nhiều chỉ trích của dư luận, nhất là những tín đồ theo đạo Chính thống.

      Nhà thờ Chúa cứu thế bị phá hủy
      Ảnh chụp khoảnh khắc nhà thờ bị phá hủy bởi thuốc nổ năm 1931.

      Làn sóng phản đối càng trở nên gay gắt hơn khi không có một tượng đài Lenin nào được xây dựng ở đây sau đó, phần vì thiếu vốn, phần vì nạn lụt lội từ sông Moskva gần công trình.

      Nhà thờ được xây dựng lại
      Nhà thờ được xây dựng lại vô cùng nguy nga và tráng lệ.

      Cuối cùng, dưới thời Khrushchyov, bể bơi công cộng lớn nhất thế giới đã được xây dựng ngay trên chính mảnh đất trước đây là nhà thờ. May mắn thay, cho tới năm 1990, nhà thờ Chúa cứu thế đã được xây dựng lại và hoàn tất vào ngày 19/08/2000.

      4. Đài tưởng niệm Obelisco (Buenos Aires, Argentina)

      Obelisco là đài tưởng niệm được xây dựng năm 1936, kỷ niệm 400 năm ngày thành lập thành phố Buenos Aires. Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư Alberto Prebisch, cao 67m và diện tích mặt bằng là 49m2.

      Đài tưởng niệm Obelisco
      Ảnh chụp đài tưởng niệm trong quá trình xây dựng.

      Ngay từ khi mới được xây dựng, Obelisco đã vấp phải nhiều sự phản đối. Người dân Argentina không thích công trình này bởi để xây dựng nó, người ta đã phá đi nhà thờ San Nicolas de Bari - nơi lá cờ Argentina đầu tiên được cắm năm 1812.

      Họ phản đối bằng cách vẽ graffiti lên tường của đài tưởng niệm, trèo lên tầng trên cùng của tháp để phá cửa kính và đổ sơn xuống…

      Đài tưởng niệm Obelisco
      Bất chấp sự phản đối của dư luận, không thể phủ nhận sự nổi bật của đài tưởng niệm giữa thành phố Buenos Aires.

      Thậm chí, trong một cuộc bỏ phiếu của hội đồng thành phố, 23/24 thành viên đồng ý với việc phá bỏ tòa tháp này.

      Tuy nhiên, công trình vẫn được giữ lại vì quyền phủ quyết của thành viên còn lại và cho tới ngày nay, Obelisco vẫn tồn tại như một biểu tượng mới của Buenos Aires.

      Đài tưởng niệm Obelisco
      Đài tưởng niệm mặc "áo mưa" nhân ngày cả thế giới phòng chống AIDS năm 2005.

      5. Nhà hát Bolshoi (Moscow, Nga)

      Nhà hát Bolshoi là một trong những nhà hát lớn nhất ở thủ đô Moscow Nga, được xây dựng vào thế kỷ XIX nhằm phục vụ những buổi biểu diễn ballet cho giới quý tộc và hoàng gia vào thời đó.

      Nhà hát Bolshoi
      Trải qua những biến cố và thăng trầm của lịch sử như Chiến tranh Thế giới, những lần hỏa hoạn, nhà hát Bolshoi vẫn đứng vững và trở thành một biểu tượng văn hóa ở Moscow.

      Năm 2005, nhà hát được tiến hành cải tạo với kinh phí dự kiến lên tới 25,5 tỷ Rúp (tương đương gần 18.000 tỷ đồng).

      Nhà hát Bolshoi
      Nhà hát Bolshoi ngay trước thời điểm được cải tạo, trùng tu.

      Thế nhưng, sự cải tạo này lại vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Người ta cho rằng, việc cải tạo nhà hát Bolshoi đã không được thực hiện đúng quy cách, dẫn tới tình trạng tạo nên một nhà hát mới chứ không phải là trùng tu.

      Nhà hát Bolshoi
      Và đây là nhà hát mới được cải tạo xong.

      Nikolai Tsiskaridze - một cựu vũ công ballet từng biểu diễn ở nhà hát Bolshoi đã trả lời trước truyền hình rằng: nhà hát Bolshoi mới chẳng khác nào một khách sạn ở Thổ Nhĩ Kỳ và trong quá trình thực hiện, chủ thầu đã sử dụng vật liệu rẻ để tiết kiệm chi phí.
       
      nhacunhamoi.com - Theo MASK

      Các tin khác

Đang tải dữ liệu...